Cách Chọn Dầu Nhớt Cho Xe Ô Tô

cach-chon-dau-cho-xe-o-to

Trên thị trường hiện có rất nhiều thương hiệu dầu nhớt ô tô khác nhau. Điều này một mặt mở ra nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, mặt khác cũng khiến quá trình lựa chọn dầu nhớt cho “xế cưng” trở nên khó nhằn hơn bao giờ hết.

Trong bài viết này, German Adler sẽ chỉ bạn cách xác định dầu nhớt Chất Lượng & Phù Hợp với xe, nhằm phát huy tối đa công suất của động cơ và kéo dài tuổi thọ của xe.

1. Vì sao cần dùng dầu nhớt cho xe?

Động cơ được cấu thành từ rất nhiều các chi tiết kim loại như piston, trục cam, xupap… Khi động cơ vận hành, lực ma sát giữa các bộ phận này với nhau là rất lớn. Hậu quả là các bộ phận này sẽ bị mài mòn, giảm tuổi thọ, hiệu suất làm việc giảm xuống, gây tiêu hao nhiên liệu.

Nếu cơ thể con người cần các chất nhầy bôi trơn sụn khớp để vận động trơn tru, thì động cơ cũng cần một loại dầu bôi trơn chảy qua vị trí tiếp xúc của các chi tiết máy để hoạt động ổn định.

dau-nhot-dong-co
Dầu nhớt có vai trò đặc biệt quan trọng đối với động cơ.

Khi bơm dầu nhớt vào động cơ:

  • Dầu sẽ tạo thành lớp đệm bôi trơn trên bề mặt tiếp xúc giữa các chi tiết, làm giảm lực ma sát, giảm mài mòn các bề mặt kim loại và tăng tuổi thọ của động cơ.
  • Dầu bịt kín khe hở giữa piston và thành xi-lanh, giúp áp suất sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu không bị thất thoát, đồng thời tăng hiệu suất vận hành.  
  • Khi động cơ hoạt động, nhiệt lượng tỏa ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu là rất lớn. Nhờ quy trình luân chuyển liên tục, dầu nhớt sẽ có tác dụng làm mát, tránh được tình trạng động cơ bị quá nhiệt hay cháy piston.
  • Quá trình đốt cháy nhiên liệu sẽ sản sinh ra muội đọng lại trong động cơ. Khi dầu được bơm để bôi trơn các bề mặt kim loại, dầu cũng sẽ cuốn trôi và làm sạch các chất bẩn, muội bám xuống đáy các-te, giúp bề mặt các chi tiết luôn sạch, đảm bảo an toàn không bị cọ xước.

Với vai trò sống còn đối với động cơ như vậy, chủ xe cần chọn đúng dầu nhớt và thay dầu định kỳ cho xe để đảm bảo “sức khỏe” của động cơ.

2. Chọn dầu nhớt cho xe – dầu nhớt chất lượng

Làm thế nào để xác định dầu nhớt chất lượng?

Chất lượng của dầu nhớt được thể hiện qua:

  • Các tiêu chuẩn đánh giá (của tổ chức quốc tế/của hãng xe)
  • Loại dầu nhớt: dầu gốc khoáng, dầu bán tổng hợp, dầu tổng hợp

Các thông tin này đều được ghi rõ trên vỏ chai dầu. Cách “đọc” chúng như thế nào, bạn hãy xem kỹ từng phần dưới đây.

2.1. Các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dầu nhớt

Hãy tạm quên đi slogan quảng cáo của các hãng dầu như “Dầu nhớt chuẩn EU”, “Dầu nhớt hàng đầu của Mỹ/Đức/Anh,…, “Dầu nhớt uy tín hiện nay”,… Các slogan này chẳng có gì sai cả, tuy nhiên họ cần chứng minh được chất lượng của dầu nhớt, qua một bên thứ 3 uy tín. Trong trường hợp này, bên thứ 3 sẽ là: các tổ chức đánh giá chất lượng dầu nhớt đáng tin cậy, và các hãng sản xuất xe ô tô.

Các tổ chức đánh giá chất lượng dầu nhớt được áp dụng phổ biến hiện nay là: SAE, ACEA, API, ILSAC, JASO.

Tiêu chuẩn SAE

SAE là tên viết tắt của Hiệp hội kỹ sư ô tô (Society of Automobile Engineer). Tổ chức này sử dụng cấp độ nhớt (độ đặc loãng) để đánh giá & phân loại dầu nhớt, cụ thể là dầu dùng cho mùa đông và mùa hè.

– Dầu nhớt dùng cho mùa hè (gọi là dầu đơn cấp) không có ký hiệu “W”, gồm phân loại 20, 30, 40 và 50. Ký hiệu là: SAE 20, SAE 30, SAE 40, SAE 50. 

 – Dầu nhớt dùng cho mùa đông (gọi là dầu đa cấp) có ký hiệu là “W”, gồm phân loại 0W, 5W, 10W, 15W và 20W. Ký hiệu là: SAE 0W20, SAE 0W30,…

Ở dầu nhớt đa cấp:

+ Chữ số đứng trước “W- Winter”: dùng để chỉ khoảng nhiệt độ mà dầu đó giúp động cơ khởi động tốt. Nhiệt độ đó được xác định bằng cách lấy 30 trừ đi con số đó nhưng ở nhiệt độ âm. Chẳng hạn dầu 20W-50 khởi động tốt ở -10 độC. Dầu 10W-30 khởi động tốt ở -20 độ C.

+ Con số đứng sau chữ “W”: cho biết độ nhớt tương đối của dầu ở 1000C, tra bảng độ nhớt SAE J300 xác định được độ nhớt của dầu, con số này càng lớn thì dầu có độ nhớt càng cao, càng đặc.

Thông thường các động cơ đời mới thì cần dầu có độ nhớt loãng hơn, như 0W20. 

Tiêu chuẩn API

Đây là tiêu chuẩn của Viện Nghiên Cứu Dầu Mỏ Mỹ (American Petroleum Institute). Chỉ số API đặc trưng cho PHẨM CẤP (CHẤT LƯỢNG) dầu, của 2 nhóm riêng biệt là “Dầu nhớt động cơ Xăng” và “Dầu nhớt động cơ Diesel”.

API
Động cơ xăng Động cơ diesel
SA, SB, SC, SD, SE…, SI, SJ, SL, SM, SN, SP CA, CB, CC, CD, CE…, CF, CG-4, CH, CI, CJ, CK

Chữ cái đầu tiên sau chữ API cho biết dầu nhớt dùng cho động cơ xăng (S) hay dầu cho động cơ Diesel (C). Chữ cái thứ 2 đặc trưng cho phẩm cấp chất lượng API của loại dầu đó, chữ càng về cuối bảng chữ cái thì dầu càng có chất lượng cao; API SN có chất lượng tốt hơn SL; CI-4 chất lượng tốt hơn CF-4,… 

  • Nhóm dầu nhớt cho động cơ Xăng có ký hiệu chữ S (Service): Phân loại chất lượng SG, SJ, SL, SN, và mới nhất là SP.
  • Nhóm dầu nhớt cho động cơ Diesel bắt đầu bằng chữ C (Commercial): Phân loại chất lượng CF, CF-4, CH-4, CI-4 và mới nhất là CK-4.
  • Trên bao bì các loại dầu được ghi cả 2 ký hiệu (CI-4/SL, CF-4/SG hoặc SN/CF) có nghĩa dầu này dùng được cho cả động cơ xăng và động cơ diesel.
huong-dan-chon-dau-nhot-cho-xe-o-to
Chọn dầu nhớt cho xe cần dựa vào tiêu chuẩn đánh giá dầu nhớt của các tổ chức uy tín.

Tiêu chuẩn ACEA

Tiêu chuẩn ACEA được quy định bởi Hiệp hội các Nhà sản xuất xe Ô tô Châu Âu (European Automobile Manufacturers’ Association).

Tương tự với API, ACEA cũng ban hành các tiêu chuẩn phân cấp chất lượng cho các loại dầu nhớt sử dụng trong động cơ, tuy nhiên ACEA quy định chi tiết hơn về hiệu năng của dầu nhớt ô tô ứng với từng loại động cơ riêng biệt. A = Xăng, B = Diesel và C = Tương thích với động cơ có sử dụng xúc tác (xúc tác giúp giảm hàm lượng khói độc trong khí thải).

Dựa theo cách phân loại đó thì:

– Dầu nhớt dùng cho động cơ xăng : A1, A3 , A4, A5.

– Dầu nhớt dùng cho động cơ diesel hạng nhẹ: B1, B3, B4, B5.

– Dầu nhớt dùng cho động cơ diesel hạng nhẹ có trang bị bộ xử lí khí thải: C1, C2 C3, C4.

– Chỉ tiêu ACEA E4, E6, E7, E9: Được khuyến nghị cho động cơ diesel được đánh giá cao đáp ứng Euro I, Euro II, Euro III, IV và Euro V yêu cầu về khí thải và chạy trong điều kiện rất nghiêm trọng.

Tiêu chuẩn ILSAC

Đây là tiêu chuẩn của Ủy ban Phê duyệt Tiêu chuẩn Dầu nhờn Quốc tế ILSAC (International Lubricants Standardization and Approval Committee), bao gồm các bài thử nghiệm để đánh giá độ sạch của động cơ, độ chống mài mòn, bảo vệ môi trường (khí thải) và tiết kiệm nhiên liệu (năng lượng). 

Các tiêu chuẩn dầu nhờn Quốc tế ILSAC bao gồm: GF-1, GF-2, GF-3, GF-4 đã lỗi thời, GF-5, GF-6.

Tiêu chuẩn JASO

Đây là tiêu chuẩn của Japanese Cơ quan Tiêu chuẩn Phương tiện Cơ giới Nhật Bản (Automotive Standards Organization), gồm các tiêu chuẩn về quy cách chất lượng và phạm vi ứng dụng cho các động cơ xăng dầu Nhật Bản.  

  • Các tiêu chuẩn JASO T904-MA và MA2 được thiết kế để phân biệt dầu đáp ứng yêu cầu làm việc với bộ ly hợp ướt, thường dùng trong xe máy số.
  • JASO T904-MB dùng cho bộ ly hợp khô, thường dùng trong xe ô tô, xe tay ga và JASO T904-MB là không thích hợp với bộ ly hợp ướt.

*JASO M345 (FA, FB, FC) được áp dụng cho các động cơ xăng 2 thì và đặc biệt quan tâm đến vấn đề muội thấp, tính bôi trơn tốt, tẩy rửa cao, ít khói và giảm khí thải. 

German Adler, Castrol, Mannol, Shell,… là vài trong số các thương hiệu nổi tiếng đạt các chuẩn cao nhất của các Hiệp hội dầu nhớt trên.

Xem chi tiết: Top 5 tiêu chuẩn đánh giá dầu nhớt chất lượng

Tiêu chuẩn của hãng xe

Các tiêu chuẩn SAE, ACEA, API, ILSAC, JASO thường được áp dụng để đánh giá chất lượng của dòng nhớt phổ thông. Ở phân khúc trung và cao cấp, các tiêu chuẩn này khó phản ánh đầy đủ chất lượng của dầu nhớt. Khi đó, chúng ta cần quan tâm đến tiêu chuẩn riêng của từng hãng xe đặt ra, nhằm so sánh chính xác hơn về chất lượng cũng như mức độ phù hợp đối với xe. 

Đặc biệt đối với các dòng xe sang vốn nổi tiếng khó tính và cần chế độ chăm sóc cao như Mercedes-Benz hay BMW, nếu sử dụng dầu nhớt không phù hợp sẽ làm giảm hiệu suất và độ bền của động cơ. 

Thông thường, khi đáp ứng tốt tiêu chuẩn của các hãng xe sang, thì sản phẩm cũng sẽ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của các hãng xe phổ thông.

Như vậy, kết hợp 5 tiêu chuẩn SAE, ACEA, API, ILSAC, JASO và tiêu chuẩn riêng của từng hãng xe, ta hoàn toàn đong đếm được chất lượng của dầu nhớt. 

dau-nhot-germany
Tiêu chuẩn của BMW, Mercedes-Benz được ghi rõ trên chai dầu.

* Không phải hãng nào cũng có đầy đủ các tiêu chuẩn trên. Tuy nhiên, hãng nào càng hiển thị nhiều tiêu chuẩn thì người dùng càng dễ dàng đánh giá và đặt niềm tin vào hãng. Suy cho cùng, việc thực hiện các bài đánh giá trên cũng là một cách để các hãng dầu khẳng định chất lượng và PR bản thân. Nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá trên thì người dùng có quyền đặt dấu chẩm hỏi về chất lượng của sản phẩm.

2.2. Loại dầu nhớt

Dầu nhớt cơ bản được chia làm 3 loại: dầu gốc khoáng, dầu bán tổng hợp và dầu tổng hợp. 

Dầu gốc khoáng (Mineral): là dầu được chiết xuất từ quá trình chưng cất dầu mỏ, lọc bỏ cặn dư và tạp chất. Dầu gốc khoáng có thành phần chủ yếu là dầu khoáng, chiếm từ 85% đến 100% khối lượng dầu nhớt thành phẩm. Loại dầu này không màu, trong suốt, gồm các phân tử hydrocarbon có hình dạng, kích thước và tính chất lý hóa không đồng nhất nên tính năng bôi trơn không ổn định, đặc biệt khi nhiệt độ môi trường quá thấp hoặc quá cao.

Ưu điểm lớn nhất của dầu gốc khoáng là giá thành rẻ.

Dầu tổng hợp (Fully-Synthetic): là loại dầu cao cấp được sản xuất trong các nhà máy hóa chất để cho ra dầu gốc có thành phần là các phân tử HC đồng nhất. Các HC đồng nhất này có tính chất hóa lý ổn định nên có tính năng bôi trơn cao, chuyên biệt, thời gian sử dụng dài và ít hao hụt. 

Tuy nhiên dầu nhớt tổng hợp cũng có những điểm bất lợi như ít tương thích với các loại dầu khác và giá thành cao. 

chon-dau-nhot-cho-o-to
Dầu tổng hợp có chất lượng cũng như giá thành cao nhất.

Dầu bán tổng hợp (Semi-Synthetic): là loại dầu được pha trộn giữa dầu khoáng + dầu tổng hợp (dầu tổng hợp tối thiểu 10% ). 

Dầu bán tổng hợp được sử dụng phổ biến bởi khắc phục được các nhược điểm của dầu tổng hợp và dầu khoáng: Dầu có độ bền, bôi trơn > dầu khoáng; giá thành < dầu tổng hợp. 

So sánh 3 loại dầu:

  • Chi phí rẻ đến đắt: Dầu khoáng < Dầu bán tổng hợp < Dầu tổng hợp
  • Chất lượng từ thấp đến cao: Dầu khoáng < Dầu bán tổng hợp < Dầu tổng hợp.

3. Chọn dầu nhớt cho xe – Chọn dầu phù hợp 

Ở mục số 2, German Adler đã thông tin đến bạn cách so sánh chất lượng dầu nhớt dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá quốc tế và tiêu chuẩn của từng hãng xe. 

Chọn dầu nhớt chất lượng từ thương hiệu uy tín là điều kiện cần, còn chọn dầu phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của xe là điều kiện đủ để động cơ được chăm sóc chu đáo. Nếu xe chỉ yêu cầu dầu có chất lượng mức X, việc chọn dầu ở mức X+1 sẽ gây lãng phí. Ngược lại, nếu xe yêu cầu mức X mà chọn dầu X-1, dầu sẽ không đủ-sức để đảm bảo hoạt động của động cơ.

Để chọn dầu nhớt phù hợp với xe, bạn cần kết hợp 3 yếu tố sau:

  • Tham khảo chỉ dẫn của hãng sản xuất xe. Các thông tin về mức độ nhớt, phẩm cấp nhớt,… thường được ghi rõ trong “Tài liệu hướng dẫn cho người sử dụng” (Owner’s Manual).
  • Tuổi đời của xe: Nếu xe đã được sử dụng trong vòng nhiều năm và công suất động cơ bị suy giảm một cách rõ rệt, bạn cần chọn dầu có tiêu chuẩn cao hơn để bôi trơn các chi tiết máy tốt hơn.
  • Điều kiện vận hành và môi trường: Xe thường xuyên tải nặng, đi leo dốc, địa hình hiểm trở, xe phải bật-tắt liên tục vì tắc đường, nhiệt độ môi trường bất lợi… sẽ cần dầu chất lượng cao hơn để ngăn hao mòn động cơ.

Hi vọng qua bài viết này, bạn đã có đủ thông tin để tự tin lựa chọn dầu nhớt cho xe ô tô. Nếu cần thêm hỗ trợ về việc chọn dầu động cơ, bạn vui lòng liên hệ 0815.551.999 để được hỗ trợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *