Các thông số trên chai nhớt có ý nghĩa gì?

SAE-la-gi

Sử dụng dầu nhớt định kỳ cho xe ô tô là việc cần làm. Tuy nhiên, chọn đúng nhớt cho xe thì máy bền, khỏe đi qua năm tháng. Chọn sai nhớt không gây ra hậu quả ngay tức thì, nhưng về lâu dài động cơ không đạt được độ bôi trơn cần thiết, bị mài mòn, giảm tuổi thọ và yếu máy.

Để chọn đúng nhớt cho xe, bạn cần hiểu rõ các thông số kỹ thuật và thông tin được in trên vỏ chai dầu. German Adler sẽ giúp bạn “đọc” chúng qua bài viết sau đây.

1. Xác định loại dầu nhớt

Chất lượng dầu nhớt được thể hiện một phần qua loại dầu động cơ, và việc xác định loại dầu thì khá đơn giản.

Dầu nhớt được phân loại thành 3 loại chính: dầu gốc khoáng (Mineral), dầu tổng hợp (Synthetic/Fully-synthetic) và dầu bán tổng hợp (Semi-synthethic); thông tin này được ghi rõ trên thân chai dầu.

  • Dầu gốc khoáng (Mineral): là sản phẩm thu được từ quá trình chưng cất dầu mỏ, lọc bỏ cặn dư và tạp chất. Dầu gốc khoáng có thành phần chủ yếu là dầu khoáng, chiếm từ 85% đến 100% khối lượng dầu nhớt thành phẩm. Loại dầu này không màu, trong suốt, gồm các phân tử hydrocarbon có hình dạng, kích thước và tính chất lý hóa không đồng nhất nên tính năng bôi trơn không ổn định, đặc biệt khi nhiệt độ môi trường quá thấp hoặc quá cao. Ưu điểm lớn nhất của dầu gốc khoáng là giá thành rẻ.
  • Dầu tổng hợp (Fully-Synthetic): là loại dầu cao cấp được sản xuất trong các nhà máy hóa chất để cho ra dầu gốc có thành phần là các phân tử HC đồng nhất. Các HC đồng nhất này có tính chất hóa lý ổn định nên có tính năng bôi trơn cao, chuyên biệt, thời gian sử dụng dài và ít hao hụt. Tuy nhiên dầu nhớt tổng hợp cũng có những điểm bất lợi như ít tương thích với các vật liệu làm kín (gioăng, phốt), kém bền thủy phân và giá thành cao.
  • Dầu bán tổng hợp (Semi-Synthetic): là loại dầu được pha trộn giữa dầu khoáng + dầu tổng hợp (dầu tổng hợp tối thiểu 10%). Dầu bán tổng hợp được sử dụng phổ biến bởi khắc phục được các nhược điểm của dầu tổng hợp và dầu khoáng: Dầu có độ bền và khả năng bôi trơn > dầu khoáng; giá thành < dầu tổng hợp.
cac-loai-dau-nhot-dong-co
Dầu nhớt được chia làm 3 loại chính: dầu khoáng, bán tổng hợp và tổng hợp

2. Hiểu các tiêu chuẩn đánh giá dầu nhớt trên chai dầu

Ngoài thông tin phân loại dầu nhớt, trên chai dầu còn có nhiều dãy chữ cái và chữ số thể hiện chất lượng dầu nhớt được đánh giá theo các tiêu chuẩn dầu nhớt quốc tế. Các tiêu chuẩn thường được áp dụng là: SAE, ACEA, API, ILSAC, JASO và thông số kỹ thuật về dầu nhớt do nhà sản xuất xe đưa ra.

2.1. Tiêu chuẩn SAE

SAE là tên viết tắt của Hiệp hội kỹ sư ô tô (Society of Automobile Engineer). Tổ chức này sử dụng cấp độ nhớt (độ đặc loãng) để đánh giá và phân loại dầu nhớt. Theo đó, sẽ phân thành 2 loại lớn là dầu đơn cấpdầu đa cấp

  • Dầu đơn cấp có độ nhớt chỉ thỏa mãn được một mức nhiệt độ nhất định, được biểu thị là: SAE 40; SAE 50,… Chữ số đứng sau SAE thể hiện độ đặc của dầu nhớt. Số càng lớn nghĩa là nhớt càng đặc và chảy càng chậm.
  • Dầu đa cấp có độ nhớt thỏa mãn ở nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau. Khi nhiệt độ thay đổi thì độ nhớt của dầu cũng thay đổi (khi nhiệt độ tăng thì dầu bị loãng ra), được biểu thị là: 5W30, 10W30, 15W40,… Chữ số đứng trước W, lấy số đó trừ đi 30 ta được nhiệt độ âm lạnh nhất mà động cơ có thể khởi động (ví dụ 5W30 có nhiệt độ âm lạnh nhất là: 5 – 30 = -25°C). Chữ số đứng sau W thể hiện độ nhớt tại nhiệt độ động cơ làm việc. Số càng lớn nghĩa là nhớt càng đặc và chảy càng chậm. 

2.2. Tiêu chuẩn API

Đây là tiêu chuẩn của Viện Nghiên Cứu Dầu Mỏ Mỹ (American Petroleum Institute) đưa ra để đánh giá về phẩm cấp/chất lượng của dầu nhớt.

API

Động cơ xăng Động cơ diesel
SA, SB, SC, SD, SE…….., SI, SJ, SL, SM, SN, SP  CA, CB, CC, CD, CE…, CF, CG-4, CH, CI, CJ, CK
  • Dầu nhớt sử dụng cho động cơ xăng được ký hiệu bằng chữ S đứng trước. Các chữ cái sau chữ S càng xa chữ A trên bảng Alphabet thì phẩm cấp càng cao, sử dụng càng có lợi cho động cơ. Các phẩm cấp phổ thông cho các loại xe chạy máy xăng hiện nay là SL, SM, SN, SP.
  • Dầu nhớt sử dụng cho động cơ diesel được ký hiệu bằng chữ C đứng trước. Các chữ cái sau chữ C càng xa chữ A thì cấp chất lượng nhớt càng cao. Các phẩm cấp phổ thông cho các loại xe chạy máy diesel hiện nay là CF-4, CG-4, CH-4, CI-4, CJ-4, CK-4. 
  • Nếu trên thông số nhớt có cả Sx/Cy thì có nghĩa loại dầu đó sử dụng được cho cả động cơ máy xăng và động cơ máy diesel. 

2.3. Tiêu chuẩn ACEA

Tiêu chuẩn ACEA được quy định bởi Hiệp hội các Nhà sản xuất xe Ô tô Châu Âu (European Automobile Manufacturers’ Association) nhằm phân cấp chất lượng của dầu nhớt ứng với từng loại động cơ riêng biệt.

ACEA

Động cơ xăng Động cơ diesel  Động cơ xăng và diesel có bộ xử lý khí thải  Động cơ vận tải, máy công nghiệp
A1, A2, A3, A5 B1, B2, B3, B4, B5 C1, C2, C3, C4 E2, E3, E4, E5, E6,  E7, E9 

Dầu nhớt dùng cho động cơ xăng hiện nay thường sử dụng cấp độ A3, A5. Động cơ diesel thường sử dụng B3, B4, B5. Động cơ xăng và diesel có bộ xử lý khí thải sử dụng loại C3, C4. Động cơ vận tải và máy công nghiệp thường dùng cấp độ từ E5 tới E9. Các cấp độ còn lại cơ bản đã cũ và không còn phù hợp với các loại động cơ đời mới. 

2.4. Tiêu chuẩn ILSAC

Ủy ban Phê duyệt Tiêu chuẩn Dầu nhờn Quốc tế ILSAC (International Lubricants Standardization and Approval Committee) được thành lập năm 1992 giữa AAM (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Mỹ) và JAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản) để xác định nhu cầu, các thông số, cấp phép và quản lý các thông số kỹ thuật của dầu nhớt. ILSAC đưa ra các bài thử nghiệm để đánh giá độ sạch của động cơ, độ chống mài mòn, bảo vệ môi trường (khí thải) và tiết kiệm nhiên liệu (năng lượng). 

Ký hiệu tiêu chuẩn dầu của ILSAC là GF-x (trong đó x thể hiện phẩm cấp chất lượng dầu có thứ tự từ 1, 2, 3…). Phẩm cấp cao nhất hiện nay của dầu nhớt theo tiêu chuẩn ILSAC là GF-6.

2.5. Tiêu chuẩn JASO

Là tiêu chuẩn dầu nhớt dành cho xe gắn máy được quy định bởi Tổ chức Tiêu chuẩn Ô tô Xe máy Nhật Bản (Japanese Automotive Standards Organization). Cấp nhớt JASO thường được ký hiệu là MA, MA2, MB.

  • MA, MA2: là nhớt có hệ số ma sát cao, được thiết kế dùng riêng cho động cơ sử dụng bộ ly hợp ướt như các loại xe số, xe côn tay.
  • MB: là nhớt hệ số ma sát thấp, đáp ứng những yêu cầu chuyên môn cao của động cơ có bộ ly hợp khô như xe ga.

Các tiêu chuẩn SAE, API, ACEA, ILSAC, JASO trên đây là các chuẩn quốc tế đã được áp dụng phổ thông. Hầu hết hãng dầu trên thị trường đều áp dụng quy trình kiểm định độ nhớt và chất lượng này. 

tieu-chuan-dau-nhot
Các tiêu chuẩn dầu nhớt phổ thông được hầu hết các hãng dầu thực hiện.

Trong khi đó, thông số dầu nhớt do các hãng xe đặt ra ít phổ biến hơn. Chỉ một số thương hiệu dầu nhớt thực hiện và đủ khả năng đáp ứng.

2.6. Thông số của hãng xe

Thông số của hãng xe là yếu tố khắt khe nhất thể hiện:

  • Sự phù hợp của dầu nhớt với xe
  • Chất lượng của dầu nhớt

Một số hãng xe đặt ra các tiêu chuẩn dầu nhớt riêng nhằm đảm bảo dầu đáp ứng tốt nhất với các chi tiết, giúp động cơ đạt hiệu suất làm việc tối ưu. Đi đầu trong việc này là các hãng xe sang như Mercedes-Benz, BMW, Porsche,… với động cơ không ngừng được cải tiến để vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa bảo vệ môi trường. Cụ thể:

  • BMW: LL-98 (dành cho các dòng xe được sản xuất trước 2000); LL-01 (các dòng xe được sản xuất từ 2000 – 2010); LL-04 (dòng xe được sản xuất từ 2020 trở về trước); FE12+ (từ 2020 trở đi),…
  • Porsche: A40, C20, C30,…
  • Mercedes-Benz: 229.1; 229.3; 229.5,…

Các động cơ mới hiện đại yêu cầu chất lượng dầu nhớt cao hơn các dòng xe cũ hơn và phổ thông, vì thế hãng dầu nào đáp ứng tiêu chuẩn dầu nhớt của các hãng xe sang, chính hãng dầu đó cũng đã khẳng định được chất lượng của sản phẩm của mình.

Đương nhiên, số lượng hãng dầu đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà sản xuất xe, đặc biệt là các dòng xe sang cũng hết sức hạn chế. Đó là lý do bạn hiếm khi thấy thông số của các hãng xe xuất hiện trên thân chai dầu. 

Với quy trình chọn lọc nguyên liệu kỹ lưỡng và công nghệ chưng cất, hóa lọc dầu hiện đại, German Adler là một trong số ít nhà sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn của các dòng xe sang như BMW, Mercedes-Benz, Audi, Porsche,…

dau-nhot-cho-xe-sang
Dầu nhớt German Adler đáp ứng thông số kỹ thuật của nhiều hãng xe sang khó tính.

Ngoài các chỉ số trên, bạn còn có thể tìm thấy các thông số kỹ thuật khác trên thân chai dầu như:

  • Density at 15°C: Tỷ trọng ở 15°C so với nước.
  • Viscosity at 40°C  & viscosity at 100°C: Độ nhớt động học ở 40°C  và 100°C, có liên quan chặt chẽ với chỉ số độ nhớt của sản phẩm.
  • Viscosity Index: Chỉ số độ nhớt cho biết sự bền nhiệt của dầu nhớt. Chỉ số độ nhớt càng cao thì sản phẩm có độ bền nhiệt càng cao, ít bị thay đổi theo nhiệt độ và ngược lại.
  • Pour Point: Điểm rót chảy cho biết tại mức nhiệt độ âm nào thì nhớt bị đông đặc và không thể làm việc (Việt Nam thuộc khu vực nhiệt đới, nóng quanh năm nên bạn không cần quá bận tâm đến chỉ số này). 
  • Flash Point:  Điểm chớp cháy cho biết mức nhiệt độ mà tại đó dầu nhớt sẽ bắt đầu bay hơi và bốc cháy khi gặp tia lửa. Điểm chớp cháy càng cao thì dầu nhớt sẽ càng khó cháy và ngược lại. 
  • TBN (Total Base Number): Trị số kiềm tổng, nhớt dành cho động cơ xăng có TBN > 6, nhớt dành cho động cơ diezen có TBN > 8 (mg KOH/kg). Kiềm trong nhớt có vai trò trung hòa axit sinh ra trong sản phẩm cháy. Nếu không được trung hòa, lượng axit này có thể ăn mòn và gây gỉ sét động cơ. 

Các chỉ tiêu trên thường được xác định bằng phương pháp thử ASTM (của Mỹ) hoặc DIN (của Đức). 

Trên đây là các thông tin và thông số kỹ thuật thường có trên vỏ chai dầu. Sau khi đã xác định được ý nghĩa của các thông số, chủ xe cần căn cứ vào khuyến nghị sử dụng dầu của hãng xe, nhu cầu vận hành của xe, tuổi đời của xe,… để lựa chọn loại dầu nhớt phù hợp với động cơ của mình. 

Trong quá trình đọc thông số kỹ thuật nếu gặp điều gì khúc mắc, hay vẫn còn băn khoăn trong việc chọn dầu cho xe, bạn vui lòng liên hệ Hotline của chúng tôi 0815 551 999 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *